Ài, ít ra cũng không phải ăn mấy món khó nuốt, Phỉ Tiềm vừa vuốt ngực vừa tự an ủi mình như thế. Nhai chóp chép miếng bánh bột bắp nhạt nhẽo, húp một ngụm canh thịt dê mà người bình thường còn không có tiền ăn nổi, hắn âm thầm thở dài. Mặc dù thời cổ đại giữ nguyên hương vị thịt, không thêm chất bảo quản vào, rất tốt cho sức khỏe, chỉ cần một chút muối và vài nhánh quế, vả lại ăn như vậy tốt hơn thời điểm ăn đậu nhiều. Nhưng nói gì thì hắn vẫn nhớ nhung vị bột ngọt và váng dầu thời hiện đại. Phỉ Tiềm vẫn mơ về Thịt heo Tứ Xuyên nấu chín hai lần ( thịt luộc xong thái lát rồi chiên lại lần nữa), cá nhồi thịt bằm, phu thế phối phiến (món cay kết hợp giữa thịt ba chỉ và thịt bò, nghĩa là vợ chồng hòa hợp), súp bò nấu cay, gà cung bảo (gà xào kiểu Tứ Xuyên), Đậu hũ ma bà (còn gọi là đậu hủ Tứ Xuyên). Chiết Giang có cá giấm Tây Hồ, tôm xào trà long tĩnh, sườn xào chua ngọt, canh rau nhút Tây Hồ, thịt viên Kim Lăng, Tam bộ áp (vịt Dương Châu ba món). Đấy là còn chưa kể đến những món nổi tiếng như Phật nhảy tường (súp vi cá mập, bỏ thêm bào ngư, hải sảm, sò điệp…), món chay la hán (kết hợp rau củ với tóc tiên, tàu hủ ki, nấm mèo) các loại, Phỉ Tiềm nuốt nước bọt thầm nghĩ, ẩm thực Trung Quốc đến ngàn năm sau phát triển rất phong phú, hầu hết những món ăn đều gắn liền với sự phát triển và khoa học.
Phỉ Tiềm là một foodboy chính hiệu, hồi còn trẻ cũng đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm ăn vặt, hắn vốn cho rằng ít ra mình có thể sánh vai với các đầu bếp hoàng cung đại Hán ở phương diện ẩm thực, cùng lắm hết cách kiếm tiền thì ta xin vào tửu lầu. Cuối cùng lại bị đồ dùng lạc hậu trong bếp đả kích cho máu phun đầy đất. Ẩm thực Trung Quốc thời hiện đại có ba thứ để vượt trội hơn thời cổ đại, gồm bếp có thể tự do kiểm soát lửa cùng nhiệt độ, chảo dẫn nhiệt tốt và dầu thực vật dư dả. Kể từ khi ba điều này xuất hiện, những món ăn được sáng tạo nhiều như nấm mọc sau mưa. Các hoang dã đại vương như Tiên Ti Hung Nô thời Hán khỏi bàn, phong cách nấu ăn cục súc như phong các chiến đấu, ngay cả đến thời Đường và thời Tống vẫn chưa phát minh ra bếp lò hoàn chỉnh. Muốn nấu ăn phải không? Sẽ có người gom một đốt thứ lại đốt lên rồi bảo bếp của ngươi đây, làm gì thì làm đi. Người Hán dù sao cũng là con dân thiên triều, văn minh cao hơn, không thể cứ đốt hết đống lửa này đến đống lửa khác rồi nướng mọi con vật, thế là nghĩ ra vài trò chưng hầm, nhưng cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Cụ thể, quốc yến mỗi năm do hoàng gia ban thưởng chỉ dùng vào ngày lễ tế hoặc phong thưởng, được ca ngợi là món ăn xịn nhất thời đó, các ngươi biết món gì không? Là món đại danh đỉnh đỉnh – món ngũ đỉnh! Vâng, rất tuyệt vời! Vậy món ngũ đỉnh là gì mà Hán Vũ Đế đã phải thốt lên đại trượng phu sống không ăn được ngũ đỉnh, thì chết cũng phải mang xác đi nấu ngũ đỉnh? Nghe đến đây ai cũng tưởng là cao lương mỹ vị gì đó phải không, oh no, tên thì oai lắm, nhưng thực tế họ chỉ dùng năm cái lư rồi chia ra bỏ thịt dê, cá, bò, heo và nai rừng vào luộc lên, chẳng khác gì một cú lừa!
Quay trở lại câu chuyện, thời Hán không có nồi sắt, muốn xài nồi sắt mời xuyên không đến thời Đường. Đỉnh lư chỉ có các phương chư hầu mới được sử dụng, dân đen bần nông chỉ có thể xài nồi đồng hay nồi gốm mà thôi. Được cái thân dày, đáy bụng tròn trịa, tạo hình tai nhỏ bên hông để dễ cầm nắm, khi cầm sẽ cảm thấy nhiệt độ của quai cầm và đáy nồi vừa đốt lửa cả tiếng đồng hồ giống hệt nhau, rất vi diệu. Vì vậy xin khuyến cáo ai chưa luyện thiết sa chưởng thì đừng nghĩ đến việc xóc chảo, có khi vừa cầm vào đã hất cả nồi đi mất. Sẵn đây cũng nói luôn, thời Hán rất ít dầu thực vật, giỏi lắm là dùng hạt vừng để ép thủ công ra dầu, mà hạt vừng xuất hiện từ lúc Trương Khiên đi du lịch Tây Vực, được đóng mác hàng nhập khẩu, giá cả khỏi phải nhắc đến. Ban đầu Phỉ Tiềm còn định cố gắng nâng tầm ẩm thực Đại Hán, bày tỏ quan ngại về khẩu vị người thời này, đồng thời tuyên bố muốn đích thân sáng tác ra vài món ăn để đời, Phúc thúc thấy vậy cũng chiều theo. Có điều khi lão vừa nhìn thấy thiếu lang quân nhà mình rót một mớ dầu vừng có giá cao đến mức phải bán thân mới mua nổi vào chảo đồng thì cơ thể già đi thêm vài tuổi, đôi mắt trở nên mơ hồ. Đến lúc tài năng ẩm thực trác tuyệt của Phỉ Tiềm biến những cọng rau xanh tốt thành màu đen, lão cảm thấy mình không thể chịu đựng được nữa. Kể từ giờ khắc này, thiếu lang quân mất đi quyền được bước chân vào nhà bếp, một ngôi sao sáng trên bầu trời ẩm thực cứ như vậy biến mất khỏi thế gian.
Bù lại những cải tiến nho nhỏ của hắn luôn được lão ghi nhận, ví dụ bánh bột bắp sau khi hấp xong đem nướng sơ qua làm nó ngon hơn hẳn, có vị bùi bùi giòn giòn. Thiếu lang quân nhà mình thật thông minh a. Hoặc giả dụ như nấu canh thịt dê có thể bỏ thêm chút quế vào hầm cùng, mà mỗi lần nấu ăn lão để ngó trước ngó sau rồi mới thả, sợ người khác học lén bí thuật của thiếu lang quân. Tóm lại đồ ăn thời cổ đại rất bần cùng, chỉ có tầng lớp quý tộc cao cấp và người có chức quyền mới có thể ăn ngon mặc sướng, dáng người trở nên béo tốt như lợn. Phúc thúc âm thầm cầu nguyện về sau Phỉ Tiềm cũng có thể béo như lợn, chứ gầy còm như bây giờ nom xấu quá. Nhắc mới nhớ, mỗi lần đói bụng Phỉ Tiềm đều yêu cầu Phúc thúc ăn cùng mình, nhưng lần nào lão cũng cười lớn rồi lắc đầu. Trong lòng lão, chỉ cần thiếu lang quân ăn ngon, ngủ tốt, thân thể khỏe mạnh là lão cười cả ngày không khép miệng rồi. May mà Phỉ Tiềm kiếm được mấy viên ngọc lưu ly làm các quý nhân say mê, bằng không trong nhà đến đậu còn không có mà ăn chứ đừng nói canh dê hay cá luộc. Đột nhiên Phỉ Tiềm hỏi:
“Phúc thúc, hôm qua Thôi thiếu lang quân vừa gửi thiếp mời ta lên phủ hắn chơi, thúc thấy thế nào?”
Thôi Hậu viết rất nhiều trong danh thiếp, đại ý là muốn anh em chúng mình đi du sơn ngoạn thủy, cùng uống ly trà xanh, ngồi đàm dạo thi thơ này nọ, khúc cuối mới bảo làng hắn có một con trâu bị té chết, nhân tiện mới Phỉ Tiềm đi ăn một bữa. Tuy triều đình Đại Hán cấm giết trâu lấy thịt ,nhưng nếu con trâu bị té chết, ừ thì chả hiểu té kiểu gì mà chết, miễn sau không tự tay giết là được. Thịt trâu là một món ngon, lại hiếm như bào ngư vi cá, người bình thường căn bản không có cơ hội được thưởng thức. Bởi vậy tiệc Thôi Hậu tổ chức đã coi là rất trọng vọng.
“Nhà họ Thôi à… Ta nghe trên phố có vài lời đồn về nhà này. Phía bắc Lạc Dương có một gia đình lương thiện nọ được tổ tiên để lại ngọc bội, nhà họ Thôi nhìn thấy nên muốn đề nghị mua lại nhưng không được. Không lâu sau con trai của họ bị ai đó tố có quan hệ với giặc khăn vàng, cả nhà bị giam hết vào ngục. Lúc cả gia đình bó tay chờ chết đột nhiên có người chỉ điểm dâng ngọc bội cho nhà họ Thôi để giải nạn. Họ đành phải nghe theo, về sau quan phủ phán quyết họ vô tội vì đã điều tra nhưng không có chứng cứ. Ta còn nghe kể Thôi Hậu giao du với rất nhiều hiệp khách trong thành, trong số đó rất nhiều người giỏi võ.”
Phỉ Tiềm nhíu mày hỏi:
“Như vậy nói cho cùng thì ta vẫn không nên đi phải không?”
“Thiếu lang quân à, nhà họ Thôi dù sao cũng từng là Tư Đồ do tiên đế sắc phong, trong triều có rất nhiều mối quan hệ, nếu thiếu lang quân vô cớ cự tuyệt chỉ sợ không tốt lắm.”
Loading...
Ừ nhỉ, nhà họ không còn làm quan nữa, nhưng vẫn quen biết rất nhiều nhà quyền quý, lạc đà gầy vẫn hơn ngựa béo, so ra Phỉ Tiềm chỉ là một chi thứ của Hà Lạc Phỉ gia, không hề có phân lượng nào. Nói theo kiểu hiện đại, Phó thủ tướng mời một công chức nhà nước cỏn con ghé chơi mà ngươi còn kênh kiệu không đi, vậy thì đừng hỏi tại sao nước biển lại mặn. Nhất là ở thời Hán, hành vi này có thể biến bạn bè thành kẻ thù. Tục truyền thời kỳ Hán Vũ Đế có thừa tướng Điền Phẫn và Ngụy Kỳ Hầu Đậu Anh. Bạn của Đậu Anh là Quán Phu định gặp Đậu Anh, trong một lần trà dư tửu lậu cùng Điền Phẫn có kể qua, nghe thế Điền Phẫn đùa rằng ta cũng tính đi gặp Ngụy Kỳ Hầu, thấy ngươi yêu hắn như vậy nên sẽ dắt ngươi đi theo. Quán Phu lại tưởng thật, hỏi một cách chân thành rằng ngài gặp Ngụy Kỳ Hậu chắc chắn có việc quan trọng, dắt ta theo chỉ làm trễ quốc gia đại sự, hay là trưa mai ngài đi luôn đi. Điền Phẫn cảm thấy không thú vị, người này ngay cả chuyện đùa hay thật cũng không phân biệt được hả, thế là hừ đại một tiếng. Ai dè Quán Phu lại tưởng rằng Điền Phẫn đồng ý, quay về kể cho Đậu Anh nghe. Kết quả Đậu Anh chuẩn bị gấp trong đêm, quét dọn nhà sạch sẽ, chuẩn bị rượu và đồ ăn rồi cùng vợ đứng trước cửa chờ từ sáng đến tối lại không thấy ai xuất hiện. Đậu Anh liền hỏi Quán Phu, không phải ngươi nói Thừa Tướng Điền Phẫn đòi tới nhà ta hả? Quán Phu cũng bất ngờ, bữa ngồi uống trà ta nghe hắn nói vậy mà. Sau đó Đậu Anh cưỡi ngựa chạy tới phủ thừa tướng hỏi thử, Điền Phẫn đã sớm quẳng việc này lên chín tầng mây nên chả nhớ gì cả. Đậu Anh cảm thấy nhục nhã, bắt đầu gây sự với Điền Phẫn khắp nơi. Vậy mới nói người cổ đại rất coi trọng mặt mũi, nói gì thì Phỉ Tiềm vẫn phải đi thôi.
Hắn ngửa mặt thở dài, Phúc thúc không bao giờ gạt hắn, như vậy nhà họ Thôi đội nhiên mời hắn dự tiệc có vẻ như đang nhắm tới ngọc lưu ly trong tay mình, đang muốn tiên lễ hậu binh. Kỹ thuật đúc mẫu chảy nếu bị ép phải giao ra liệu có tạo thành hiệu ứng cánh bướm gì không nhỉ? Chưa kể nhà họ Thôi lòng tham không đáy, được voi đòi tiền thì làm thế nào? Nghĩ đến đây Phỉ Tiềm rất muốn mắng đám nhà văn đạo diễn một trận, những kẻ xuyên không hễ phát minh ra thứ gì là từ hoàng đế cho đến dân đen đều tin sái cổ, lại cực kì lương thiện, không động một chút lòng tham nào. Bây giờ đến phiên hắn, mới đúc ra vài viên ngọc lưu ly đã bị người khác để mắt tới, phút chốc an nguy cả nhà trở nên nghiêm trọng.
“Đã là phúc thì không phải họa, là họa thì không tránh khỏi, cứ vậy đi!”
Phỉ Tiềm gật đầu, xem như đây là một bài kiểm tra nhỏ, chút chuyện này còn không vượt qua được thì làm sao sống sót giữa đám trâu bò thời Tam Quốc? Hắn đã nghĩ ra một kế, thời đại này cá lớn nuốt cá bé, bây giờ mình là cá bé, chỉ cần tìm con cá lớn hơn nhà họ Thôi là xong.
“Đúng rồi Phúc thúc, nhà họ Thôi sống ở đâu thúc biết không?”
“Thiếu lang quân chỉ cần đi khỏi cửa bắc chừng chín dặm, đến dưới chân núi Bắc Mang là được.”
Phỉ Tiềm lại gật đầu, nghe chừng cũng không quá xa, chỉ có điều núi Bắc Mang à, sao lại nghe quen tai thế?