Thiếu niên áo gấm không hề để ý tới Tống Tập Tân, liếc nhìn đi nơi khác, nhìn về phía Trần Bình An, "Hôm nay nhờ có ngươi nên ta mới có thể mua được cá chép kia, sau khi mua được nó rồi, ta càng nhìn càng thấy thích, muốn nhất định phải giáp mặt nói cảm ơn ngươi một tiếng, vì vậy mới nói Ngô gia gia đưa ta đi tìm ngươi ngay trong đêm."
Hắn lấy ra một cái túi thêu nặng trịch, vứt cho Trần Bình An, khuôn mặt tươi cười sáng lạn nói: "Đây là quà cảm ơn, ngươi ta coi như không ai nợ ai."
Trần Bình An vừa định nói, thiếu niên áo gấm đã xoay người bỏ đi.
Trần Bình An nhíu nhíu mày.
Ban ngày mình vô tình nhìn thấy một người trung niên mang theo giỏ cá đi trên đường cái, bắt được một con cá chép vàng óng ánh dài chừng bàn tay, nó đang búng nhảy đành đạch trong giỏ trúc, Trần Bình An vừa liếc mắt một cái, đã cảm thấy rất thích nó, vì vậy mới mở miệng hỏi, có thể dùng mười văn tiền để mua nó hay không, người trung niên vốn chỉ định bắt về để ăn cho căng bụng, mắt thấy có thể đào được, nên đã lên giá, hét giá tận trời, phải ba mươi văn tiền mới chịu bán. Trần Bình An nghèo túng lấy đâu ra nhiều tiền nhàn rỗi như vậy, thật sự tiếc nuối con cá chép ánh vàng rực rỡ kia, bèn đi theo người trung niên, cố gắng trả giá, muốn hạ giá xuống mười lăm văn, cho dù là hai mươi văn tiền cũng được, ngay vào thời điểm người trung niên có dấu hiệu xuôi xuôi, thiếu niên áo gấm và lão nhân cao lớn vừa lúc đi ngang qua, bọn họ không nói hai lời, dùng năm mươi văn tiền mua cả cá chép lẫn giỏ cá, Trần Bình An chỉ có thể trơ mắt nhìn bọn họ nghênh ngang mà đi, không thể làm gì.
Nhìn chằm chằm bóng lưng hai người đi càng lúc càng xa, Tống Tập Tân sau khi thu hồi ánh mắt hung tợn, nhảy xuống đầu tường, tựa như nhớ lại điều gì, y nói với Trần Bình An: "Ngươi còn nhớ thứ bốn chân hồi tháng Giêng kia không?"
Trần Bình An gật gật đầu.
Sao lại không nhớ rõ, chuyện chỉ như mới diễn ra thôi mà.
Dựa theo phong tục truyền lại mấy trăm năm của trấn nhỏ này, nếu có rắn rết chui vào nhà mình, là dấu hiệu tốt, chủ nhân tuyệt đối không được xua đuổi đánh giết. Hồi đầu tháng Giêng, Tống Tập Tân đang ngồi ở cửa phơi nắng, sau đó có con thằn lằn nhỏ tục xưng là rắn bốn chân chạy vào trong phòng ngay trước mắt y, Tống Tập Tân bắt được mới quẳng ra ngoài sân, không ngờ là con thằn lằn kia dù cho bị quẳng mạnh đến mấy vẫn cứ đâm đầu chạy vào cho bằng được, khiến cho Tống Tập Tân chưa bao giờ tin thuyết quỷ thần tức giận đến không nhịn được, giận dữ quẳng nó vào sân nhà Trần Bình An, nào nghĩ đến, ngày hôm sau ngay ở dưới giường mình, Tống Tập Tân nhìn thấy con thằn lằn kia cuộn mình chiếm cứ.
Tống Tập Tân nhận thấy cô gái kéo kéo tay áo mình.
Loading...
Thiếu niên và nàng ngầm hiểu ý nhau, theo bản năng nuốt lại vào trong bụng những lời nói đã chạy đến bên miệng.
Y muốn nói là, con thằn lằn vô cùng xấu xí kia, gần đây trên trán lại nổi u lên, giống như đỉnh đầu sắp mọc sừng.
Tống Tập Tân đổi sang một câu khác, "Ta và Trĩ Khuê có thể tháng sau sẽ rời khỏi nơi này."
Trần Bình An thở dài, "Đi đường cẩn thận."
Tống Tập Tân nửa thật nửa giả nói: "Có vài vật chắc chắn ta sẽ không mang đi, ngươi cũng đừng thừa dịp nhà của ta không có người, bèn không kiêng nể mà trộm mất."
Trần Bình An lắc lắc đầu.
Tống Tập Tân bỗng nhiên cười ha ha, lấy tay chỉ điểm điểm Trần Bình An, cợt nhả nói: "Nhát như chuột, khó trách hàn môn vô quý tử, đừng nói là đời này nghèo hèn, nói không chừng kiếp sau cũng không trốn thoát."
Trần Bình An im lặng không lên tiếng.
Ai nấy tự quay về phòng ở, Trần Bình An đóng cửa lại, nằm ở trên tấm ván gỗ cứng rắn, thiếu niên bần hàn nhắm mắt lại, nhỏ giọng lẩm bẩm nói: "Toái toái bình, tuế tuế an, toái toái bình an, tuế tuế bình an. . ." (Toái và tuế đồng âm, nghĩa là năm nào cũng được bình an)
Trời vừa hửng sáng, gà còn chưa gáy, Trần Bình An đã rời khỏi giường, đệm chăn đơn bạc, thật sự không giữ được hơi ấm, hơn nữa khi còn làm học đồ lò gốm, Trần Bình An cũng đã tập thành thói quen ngủ muộn dậy sớm. Trần Bình An mở cửa phòng ra, đi vào sân nhà bùn đất xốp, sau khi hít sâu một hơi, vươn người duỗi lưng, đi ra khỏi sân, quay đầu nhìn thấy một bóng người gầy yếu, cong thắt lưng, hai tay xách một cái thùng gỗ đựng nước, đang dùng bả vai đẩy cửa viện nhà mình ra, chính là tỳ nữ của Tống Tập Tân, chắc hẳn cô vừa mới đi múc nước từ giếng Thiết Khóa bên ngõ Hạnh Hoa về.
Trần Bình An thu lại tầm mắt, xuyên phố qua ngõ, một đường chạy chậm về hướng đông trấn nhỏ, ngõ Nê Bình ở phía tây trấn nhỏ, ở cửa thành phía đông, có người phụ trách thương lữ ra vào trấn nhỏ và tuần phòng gác đêm, bình thường cũng thu nhận, chuyển giao một ít thư nhà từ bên ngoài gởi tới, công việc tiếp theo Trần Bình An cần làm, chính là chuyển những thư từ này đưa cho dân chúng trấn nhỏ, được trả thù lao một phong thơ một văn tiền, cái này là phương pháp kiếm tiền hắn thật vất vả mới tìm được, Trần Bình An đã cùng bên kia giao hẹn, sau ngày mùng Hai tháng Hai Rồng ngẩng đầu, sẽ bắt đầu tiếp nhận vụ làm ăn này.
Dùng lời Tống Tập Tân nói chính là trời sinh mệnh cùng khổ, cho dù có phúc khí vào gia môn, Trần Bình An hắn cũng không nắm bắt được. Tống Tập Tân thường xuyên nói một ít lời tối nghĩa khó hiểu, ước chừng là nội dung lấy ra từ trong sách, Trần Bình An vẫn luôn nghe mà không hiểu cho lắm, ví dụ như hai ngày trước nhắc tới cái gì liêu tiểu xuân hàn, đông sát thiếu niên (Xuân hàn se lạnh, hình dung mùa xuân lại t
rét lạnh dị thường, có thể khiến người trẻ tuổi chết vì lạnh), Trần Bình An hoàn toàn không hiểu, về phần hàng năm mùa đông qua đi, sau khi nhập xuân lại có một khoảng thời gian còn lạnh hơn, thật ra thiếu niên đã trải nghiệm sâu sắc, Tống Tập Tân nói cái gọi là rét tháng ba, cũng ghê gớm như hồi mã thương trên sa trường, cho nên rất nhiều người sẽ chết ở quỷ môn quan này.
Trấn nhỏ không có tường thành vây quanh, dù sao đừng nói giặc cỏ đạo tặc, ngay cả trộm vặt cũng ít có, cho nên trên danh nghĩa là cửa thành, thật ra chỉ là một dãy hàng rào cũ xiêu xiêu vẹo vẹo, là nơi tạm bợ để người và xe thông qua, cũng coi như là thể diện của trấn nhỏ này.
Thời điểm Trần Bình An chạy chậm ngang qua ngõ Hạnh Hoa, nhìn thấy không ít phụ nữ trẻ con tụ ở bên giếng Thiết Tỏa, bánh xe giếng nước luôn luôn kẽo kẹt rung động.
Lại vòng qua một con phố, Trần Bình An chợt nghe thấy cách đó không xa truyền đến một hồi tiếng đọc sách quen thuộc, nơi đó có một trường học tư, là do vài nhà giàu trấn nhỏ này kết phường gom tiền mở ra, tiên sinh dạy học là người bên ngoài, Trần Bình An khi nhỏ thường xuyên chạy tới trốn ở ngoài cửa sổ, vụng trộm ngồi, vểnh tai nghe. Vị tiên sinh kia tuy lúc dạy học thì cực kỳ khắc nghiệt, nhưng không hề trách mắng hay ngăn cản mấy đứa nhỏ học lỏm như Trần Bình An, sau đó Trần Bình An đi tới một lò nung gốm cống phẩm ở ngoài trấn nhỏ làm học đồ, không ghé ngôi trường này nữa.
Đi thêm về phía trước, Trần Bình An đi ngang qua một cái miếu thờ bằng đá, bởi vì miếu thờ này được xây thành mười hai cột đá, dân bản xứ thích gọi nó là miếu con cua, tên thật của miếu thờ này, theo cách nói của Tống Tập Tân và Lưu Tiện Dương thì không giống nhau, Tống Tập Tân thề thốt nói ở trong một quyển sách cũ tên là Địa phương huyện chí, đã gọi nơi này là miếu Đại học sĩ, là miếu thờ do hoàng đế lão gia ngự ban, để kỷ niệm một vị đại quan văn võ song toàn trong lịch sử.