Trong một ngôi nhà ở ngõ Đào Diệp có một cụ già mặt mày hiền hậu ngồi trên ghế mây dưới mái hiên. Bên cạnh là một nha hoàn dáng vẻ xinh đẹp khả ái đang ngồi, cô mặc quần dài màu vàng nhạt nhiều hoa văn, bên ngoài khoác váy lưới mỏng bằng lụa xanh biếc, vừa nghe cụ già kể chuyện xưa vừa chậm rãi quạt gió.
Cụ già đột nhiên hỏi:
- Đào Nha, quạt đi, lại ngủ gật rồi à? Không phải dọa ngươi, nếu là trong nhà thế gia bên ngoài trấn nhỏ, ngươi lười biếng như vậy sẽ bị phạt đấy.
Không hề có tiếng trả lời. Cụ già vẫn luôn khoan dung độ lượng với đầy tớ đang muốn trêu chọc thêm mấy câu, đột nhiên sắc mặt biến đổi, ngẩng đầu nhìn về phương xa, vẻ mặt trở nên nghiêm túc. Hóa ra trong viện nhỏ không chỉ có chiếc quạt trong tay thiếu nữ nha hoàn là đứng yên, trên thực tế ngay cả gió mát vô hình cũng bất động.
Cụ già vội vàng nín thở tập trung, mặc niệm khẩu quyết, tĩnh tọa nhập định để tránh hao tổn tu vi đạo hạnh trong dòng thời gian chảy ngược ngắn ngủi này. Cụ già khẽ thở dài, Tề Tĩnh Xuân tuân thủ quy củ lễ nghĩa nhất cuối cùng cũng phá lệ ra tay, như vậy đúng là điềm báo giông tố sắp đến rồi.
Tại giếng Thiết Tỏa, người trẻ tuổi xứ khác vóc dáng vạm vỡ ngồi xổm cách đó không xa, nhìn chăm chú vào ròng rọc. Nhưng khóe mắt của hắn lại lén liếc nhìn bên mặt một thôn phụ đẫy đà, cô ta đang khom lưng nhấc một thùng nước từ miệng giếng lên, bờ mông cong vút, bộ ngực trĩu nặng rủ xuống, đường cong trên người có phần khoa trương, lung linh lồ lộ. Thân thể tỏa ra một khí tức hoang dã như bông lúa chín, khiến cho vị phu nhân dung mạo vốn chỉ trung bình này có thêm một phong vị khác lạ.
Khi người trẻ tuổi nhận ra cảnh vật chung quanh đứng yên một cách kỳ lạ, thân hình hắn vẫn không cử động, chỉ lấy can đảm nhìn thẳng vào hình ảnh phu nhân múc nước mỹ diệu kia. Người trẻ tuổi lén nuốt một ngụm nước bọt, vội vàng xoay người thay đổi tư thế ngồi xổm.
Chẳng trách sư phụ từng nói, nữ tử dưới núi là hổ rời khỏi rừng, công lực giảm nhiều, nhưng một khi mang lên núi sẽ trở thành hổ ngồi trên núi xưng vương xưng bá, sẽ ăn cả người.
Sau khi sư phụ uống rượu luôn nói, anh hùng hào kiệt trên đời đều bại bởi hổ núi nhà mình, không ai ngoại lệ. Nhưng người trẻ tuổi cảm thấy hổ rời rừng cũng rất lợi hại, chẳng hạn như phu nhân trước mắt, rõ ràng dung mạo bình thường nhưng lại hấp dẫn đến mức khiến hắn ngứa ngáy trong lòng. Nếu cô ta không nói gì mà cho hắn một bạt tai, hoàn toàn không giảng đạo lý, người trẻ tuổi cảm thấy mình sẽ không dám đánh trả, nói không chừng phu nhân cười một tiếng còn sẽ khiến hắn cười theo.
Người trẻ tuổi nghĩ đến những chuyện này cũng cảm thấy chán ngán thất vọng, cúi đầu liếc nhìn đũng quần, nói kháy:
Loading...
- Không xương, hèn gì không có khí phách!
---------
Trong ngõ Nê Bình, Tống Tập Tân đang lật xem một quyển Địa Phương Huyện Chí dày nặng cũ kỹ. Hắn đã tìm ra rất nhiều quy luật, ví dụ như đại khái cứ sáu mươi năm lại bổ sung một lần, cho nên Tống Tập Tân đặt tên cho sách này là “Giáp Tử Chí”. Còn có dân chúng trấn nhỏ lúc niên thiếu được bà con xa đưa ra bên ngoài, gần như không ai trở lại quê nhà, giống như không thích lá rụng về cội, thuộc dạng hoa nở trong tường nhưng thơm ngoài tường. Rất nhiều gia tộc dòng họ vươn cành tỏa lá ở bên ngoài, thậm chí phát triển thành những cây đại thụ chọc trời ăn sâu bén rễ. Cho nên Tống Tập Tân lại gọi nó một cách thân mật là “Tường Ngoại Thư”.
Lúc này thiếu niên đang lật xem một trang truyện nhân vật, kể lại sự tích cuộc đời của một người tên là Tào Hi. Văn chương hà tiện là một điểm đặc sắc của bản Huyện Chí này, Tống Tập Tân lật tới lật lui xem ít nhất bảy tám lần, đã sớm thuộc làu quyển sách này, cho nên hôm nay lúc rãnh rỗi chỉ chọn câu chuyện của một số nhân vật đặc sắc để xem. Coi như đây là truyền kỳ diễn nghĩa do một vị tiên sinh kể chuyện thuật lại, không thể xác định tính chân thực, đương nhiên Tống Tập Tân cũng không để ý.
Hắn chỉ nhớ người đàn ông mặc quan phục kia trước khi rời khỏi trấn nhỏ vào kinh báo cáo công việc, đêm khuya đã một mình đến đây, dùng thái độ rất trịnh trọng bảo thiếu niên phải nhớ kỹ một chuyện, đó là đọc thuộc lòng ghi nhớ mỗi tên người từng xuất hiện trong sách, cùng với hàng trăm người khác và lai lịch gốc gác của đám tổ tiên bọn họ trong trấn nhỏ, nhất là có dây mơ rễ má với bốn họ mười tộc.
Lúc này Tống Tập Tân không hề nhúc nhích, giống như tượng thần bằng đất sứt mẻ ở đông nam trấn nhỏ, từng pho tượng ngã trong lùm cỏ và đất bùn, cho dù gió táp mưa sa vẫn sừng sững bất động. Ánh sáng xuyên qua cửa sổ chiếu lên bàn đọc sách cũng giữ nguyên một trạng thái đứng yên khác thường.
Trong ngôi nhà này, người và vật duy nhất có thể cử động là tỳ nữ Trĩ Khuê và con rắn mối không nổi bật kia. Cô đã sớm phát giác được chuyện khác thường, suy nghĩ đầu tiên hiện lên trong đầu là đi sang nhà kế bên, tìm thiếu nữ mặt trơ trơ kia mắng cho một trận xối xả. Nhưng sau khi tỳ nữ phát hiện được sự tồn tại của thanh kiếm kia, liền từ bỏ suy nghĩ hấp dẫn này.
Trước tiên cô đi đến phòng của thiếu gia mình, liếc xéo nội dung trang sách, nhìn thấy hai chữ “Tào Hi” thì chán ghét, bèn giúp thiếu gia lật về sau vài tờ, sau khi thấy trang sách đề cập đến “Tạ Thực” mới vui vẻ cười cười. Nhưng cô lại nhanh chóng tỏ ra hậm hực, lại lật về trang sách cũ để tránh tiết lộ thiên cơ, hại mình bại lộ chân tướng.
Những năm gần đây, thiếu gia thông minh khôn khéo chỉ vì tò mò nên hoài nghi thân phận lai lịch của cô mà thôi, chưa từng nắm được chứng cứ xác thực, cô cũng không muốn khi việc lớn sắp thành lại thất bại trong gang tấc. Cô thường theo thiếu gia đến trường làng, cảm thấy có một số câu của người đọc sách rất giả dối khốn nạn, chẳng hạn như “thà hi sinh để giữ lấy chính nghĩa”. Cũng có mấy câu không tệ, ví dụ như “đường đi trăm dặm, đi chín mươi dặm cũng chỉ xem như bắt đầu một nửa” (càng đến gần thành công thì càng khó khăn), đúng là nói thấu triệt đạo lý.
Con rắn mối màu vàng đất kia đang nằm trên ngưỡng cửa phơi nắng, lúc này khi nó yên lặng bất động lại khôi phục “chân thân”. Dưới ánh sáng chiếu rọi, chỉ thấy thân hình nó lung linh rực rỡ, lấp lánh trong suốt, toàn thân giống như một khối lưu ly.
Trong nhà kề bên, thiếu nữ áo đen Ninh Diêu lâm vào một loại trạng thái thai tức huyền diệu khó giải thích, không dùng miệng mũi hít thở, giống như hài nhi vẫn còn trong bào thai, thần khí về nguồn dừng mọi suy nghĩ.
Phi kiếm trong vỏ kiếm trắng như tuyết giống như được đại xá, chậm rãi rời khỏi vỏ, sau đó nhẹ nhàng bay lượn xung quanh chủ nhân, ôn hòa thân mật giống như một con chim nhỏ bay theo người, lại có cảm giác mỹ lệ khi quần áo thiếu nữ phất phơ. Nó cũng không bay lung tung mà khéo léo giống như vẽ bùa, tạo ra một nơi phong thủy tốt nhất cho chủ nhân đang chữa thương.
Quả nhiên khí tức chung quanh nhanh chóng tràn vào trong cơ thể thiếu nữ không có dấu hiệu hô hấp nào, nàng điên cuồng hấp thu linh khí bản nguyên giữa phương trời đất này giống như cá voi hút nước. Vì vậy tại khoảnh khắc này, sự tĩnh mịch thâm trầm của trấn nhỏ và gió nổi mây vần trong ngôi nhà này tạo thành đối lập rõ ràng.
Cạnh khe suối phía nam bên ngoài trấn nhỏ.
Một người đàn ông mình và tứ chi đều ngắn, mày rậm mắt to, nhuệ khí bức người, phanh ngực lộ bụng đang cầm búa rèn sắt, một búa đập xuống đốm lửa tung tóe, cả phòng sáng rực.
Vô số đốm lửa nhỏ bay tán loạn trong căn phòng trống trải, rực rỡ tráng lệ.
Một lần vung búa là có thể đập ra cả một bức tranh.
Đối diện với người đàn ông là một thiếu nữ buộc tóc đuôi ngựa gọn gàng đang đứng, vóc người xinh xắn. Nàng mặc một bộ áo khoác bằng da bò để ngăn đốm lửa bắn vào người, quần áo bằng vải bông bình thường rất dễ bị cháy thành từng lỗ thủng.
Sau một lần đập búa, ngàn vạn đốm lửa bỗng dừng lại trong phòng.
Thiếu nữ tóc đuôi ngựa nhíu mày hỏi:
- Cha?
Người đàn ông trầm giọng nói:
- Tới phiên con tới đập thân kiếm, vừa lúc mượn cơ hội này để rèn luyện thần thái tâm ý của con.
Thiếu nữ để thân kiếm cũ kỹ kia xuống, đấy đốm lửa hai bên trước người ra. Nàng làm vậy giống như rút dây động rừng, những đốm lửa vốn phải đứng yên trong dòng thời gian lại không ngừng va chạm vào nhau, khiến cho ánh sáng trong phòng trở nên hỗn loạn.
So với đám tiền bối lớn tuổi giống như rồng ẩn dưới vực sâu trong trấn nhỏ, từng người tập trung nín thở tĩnh tâm nhập định, hành vi của thiếu nữ đúng là hơi ngang ngược.
Nhất là sau khi tới phiên nàng vung búa, thế lớn lực trầm, động tác nhanh nhẹn, thậm chí còn ngạo mạn thô bạo hơn người đàn ông dày dạn kinh nghiệm kia.
Trong trạng thái đứng yên, đốm lửa bắn ra sau mỗi lần đập búa cũng không biến mất, cho nên nhiều lần chồng chất lên nhau, dày đặc giống như trời sao lấp lánh vây chặt chung quanh.
Trong phòng đúc kiếm có hàng tỉ đốm lửa.
Người đàn ông nhìn chăm chú vào phôi kiếm đỏ rực, trầm giọng dặn dò:
- Trong lòng mặc niệm Hám Long Thiên của Chú Kiếm Kinh!
Khí thế của thiếu nữ đột nhiên hạ xuống, thấp giọng nói:
- Cha?
Người đàn ông nổi nóng nói:
- Làm gì thế?
Khí thế của thiếu nữ lại giảm, rụt rè nói:
- Buổi trưa ăn ít quá, đói bụng rồi, giơ búa không nổi nữa.
Người đàn ông càng tức giận, nếu không phải đang đúc kiếm thì thiếu chút nữa đã mắng người rồi:
- Rõ ràng mỗi lần bảo con học thuộc lòng là làm như muốn lấy mạng con vậy, kiếm cớ cái gì... Mẹ nó chứ, với cái dạ dày của khuê nữ con thì bị đói cũng rất bình thường, đúng là không phải kiếm cớ...
Thiếu nữ cười trộm, ngoài miệng nói là đói bụng nhưng động tác tay vẫn không hề yếu đi. Trong một chớp mắt linh quang chợt hiện, thiếu nữ hét lớn, dốc hết sức đập xuống một búa, nói như ma xui quỷ khiến:
- Ra cho ta!
Lần này đốm lửa bắn ra rất nhiều, cực kỳ chói mắt.
Trên mặt người đàn ông vẫn không có cảm xúc, thầm nói: “Thành rồi.”
---------
Trong sân nhà Cố Xán, phu nhân từ từ tỉnh dậy, đầu đau như nứt, được đứa bé dìu đỡ ngồi trở lại ghế dài. Tiệt Giang Chân Quân Lưu Chí Mậu thì đang nhắm mắt nghỉ ngơi, chậm rãi bấm ngón cái và ngón trỏ trong tay áo.
Phu nhân họ Cố đặt con trai ngồi bên cạnh mình, nghẹ giọng hỏi:
- Tiên trưởng, đã xảy ra chuyện gì?
Ông lão vẫn không mở mắt, nói:
- Lão phu đã thu một đồ đệ tốt, ngươi cũng có một con trai tốt. Họ Cố ngươi cứ an tâm chờ mẹ con vinh hiển đi.
Phu nhân vui mừng khôn xiết, lệ nóng doanh tròng, ôm lấy đứa trẻ rủ rỉ:
- Cha của con nó, ông có nghe không, Cố Xán của chúng ta nhất định sẽ có tiền đồ lớn...
Lưu Chí Mậu đột nhiên kinh ngạc ồ một tiếng, mở mắt cúi đầu quan sát đường vân trong lòng bàn tay, giống như đã rẽ ra một đường mới, lẩm bẩm:
- Sao lại như vậy? Không thể nào. Thiếu niên không chết, lại là đệ tử tiên gia kia chết một cách khó hiểu?
Ông lão không thể không đứng dậy, chậm rãi dạo bước trong sân, bấm ngón tay thật nhanh:
- Phế vật! Thua dưới tay một thiếu niên quê mùa, danh vọng mà núi Vân Hà vất vả tích góp ngàn năm đã bị hủy trong chốc lát rồi.
Phu nhân thấp thỏm bất an nói:
- Lão tiên trưởng, Xán nhi nhà chúng ta đã bái sư, không bằng bỏ qua cho Trần Bình An được không?
Ông lão giận dữ quát:
- Lòng nhân từ của đàn bà! Nếu thật sự có lòng từ bi, lúc ngươi và ta vừa gặp mặt cũng đừng nảy sinh ý định giết người. Lúc này lại giả làm nữ Bồ Tát với lão phu, có biết xấu hổ không?
Phu nhân bị mắng khiến cho sắc mặt nhợt nhạt, ấp a ấp úng không dám nói câu nào.
Ông lão như chưa hả giận, chỉ tay vào phu nhân mắng lớn:
- Thôn phụ quê mùa, kiến thức nông cạn! Sau này Cố Xán theo ta về hồ Thư Giản, số lần mẹ con các ngươi gặp nhau không được quá thường xuyên, để tránh làm trở ngại việc tu hành của nó, có dị nghị gì không?
Phu nhân vội vàng xua tay nói:
- Không dám.
Ánh mắt ông lão âm trầm.
Phu nhân ngẩn ra, nhanh chóng khôi phục tinh thần, vẻ mặt như đưa đám, đáng thương nói:
- Không có dị nghị, tuyệt đối không có!
Ông lão vung mạnh tay áo, hừ lạnh nói:
- Tức chết lão phu!
Lúc trước thấy phu nhân này xem như có chút phong vận khác lạ, vừa có ý định thu bà ta làm nô tỳ bên cạnh, không ngờ bà ta lại biểu hiện tục tằn như vậy, đáng kiếp cho bà ta đã bỏ qua vận may hi vọng bước vào ngưỡng cửa tu hành.
Ông lão đột nhiên như lâm đại địch, nhìn ra chung quanh. Quả nhiên phương trời đất này đã bị người khác biến thành “trạng thái đứng yên”, trạng thái này là một trong rất nhiều động tiên nhỏ trên thế gian, ngay cả lục địa thần tiên, Kim Thân La Hán cũng đừng nghĩ đến chuyện mở ra được.
Loại đại thần thông này có thể nói đã đạt tới đỉnh cao, tuy phần lớn là nhờ công của đại trận kia, nhưng vẫn khiến người ta cảm thấy vô cùng kính sợ.
Thử nghĩ một chút, chỉ cần ở trong phương trời đất này, cho dù ngươi là tiên phật thần ma quỷ quái đều phải dập đầu với ta, đó là loại cảm nhận gì?
Tiệt Giang Chân Quân Lưu Chí Mậu nằm mơ cũng muốn đạt tới độ cao như thế. Đừng nên dùng pháp thuật quá cao cường? Đi chết đi! Nếu như có động tiên nhỏ này, Lưu Chí Mậu chỉ hận không thể kéo hết đệ tử đời thứ ba của ba vị Phật Đà, Đạo Tổ, giáo chủ Nho giáo vào bên trong. Không dám nói là bắt bọn họ cúi đầu khom lưng, nhưng dù sao mọi người cũng có địa vị tương đồng, ngang vai ngang vế.
Lưu Chí Mậu đột ngột nhổ ra một ngụm máu tươi, lòng bàn tay cũng có máu tươi bắn ra, giống như bị người khác dùng vũ khí sắc bén cắt một rãnh máu.
Trên tay còn lại cũng bất giác hiện ra cái chén trắng kia, mặt nước sóng gợn hỗn loạn, đường đen chạy tán loạn đụng vào thành chén chung quanh.
Ông lão không hề do dự, lòng bàn tay đặt chồng lên mu bàn tay. Thân là người trong bàng môn Đạo gia nhưng lại chắp tay hành lễ theo kiểu Nho gia, khom người rất thấp vô cùng thành kính, run giọng nói:
- Đảo chủ Lưu Chí Mậu của đảo Thanh Hiệp hồ Thư Giản, khẩn cầu Tề tiên sinh thương xót vãn bối một lòng chân thành cầu đạo, nếu có chỗ nào mạo phạm mong tiên sinh đại nhân... thánh nhân không chấp nhặt lỗi lầm của tiểu nhân!
Một hồi lâu sau.
- Mau rời đi!
Ba chữ như tiếng sấm mùa xuân nổ vang bên tai vị Chân Quân này.
Lưu Chí Mậu mừng rỡ nói:
- Tiên sinh yên tâm, vãn bối sẽ lập tức dẫn theo mẹ con họ Cố rời khỏi trấn nhỏ.
Ông lão vẫn luôn xưng mình là vãn bối nhớ tới một chuyện, cẩn thận hỏi:
- Dám hỏi tiên sinh, hai túi tiền đồng kim tinh trên người vãn bối nên xử lý thế nào?
Giọng nói uy nghiêm lại vang lên:
- Một người một vật vừa lúc là hai phần cơ duyên, để lại trong viện là được. Trong vòng ba mươi năm ngươi không được rời khỏi hồ Thư Giản nửa bước.
Lưu Chí Mậu như trút được gánh nặng, lần này cũng không cố ý hành lễ theo kiểu nho sinh để nịnh hót nữa, chỉ cúi đầu trang trọng theo kiểu đạo gia:
- Trưởng giả ban tặng không dám từ chối, đại ân đại đức của Tề tiên sinh, vãn bối khắc sâu trong lòng, cả đời không quên!
Sau đó giọng nói của Tề Tĩnh Xuân không vang lên nữa, trạng thái đứng yên cũng nhanh chóng biến mất theo. Lưu Chí Mậu không nói lời thừa, lập tức bảo Cố thị và Cố Xán theo lão rời khỏi trấn nhỏ. Cố thị đang muốn nói chuyện liền bị một ánh mắt cực kỳ hung ác của Lưu Chí Mậu lườm qua, dọa cho phu nhân câm như hến. Lưu Chí Mậu lấy ra hai cái túi, mặc dù trong lòng cảm thấy lưu luyến, nhưng vị đạo nhân bàng môn vẫn luôn ước ao một danh hiệu Chân Quân xứng với thực này vẫn không do dự đặt lên ghế.
Có điều vừa mới đi tới sân nhỏ, Lưu Chí Mậu đột nhiên hỏi:
- Nhà các ngươi có giữ lại đồ vật cũ gì không?
Cố thị ngỡ ngàng, Cố Xán lấm la lấm lét lập tức nhắc nhở:
- Không phải cha để lại một cái hòm đồ cổ sao, chính là cái cất dưới gầm giường ăn bụi đấy?
Ánh mắt Lưu Chí Mậu sáng lên, không nói gì thêm bảo phu nhân dẫn đi xem kỹ.
Vị thánh nhân kia đã đồng ý bản thân Cố Xán là cơ duyên, vậy nghĩa là đứa bé này có thể mang theo cơ duyên thuộc về nó.
Còn như những cơ duyên này cuối cùng thuộc về ai, trong trấn nhỏ e rằng Thiên Vương lão tử tới cũng phải nghe theo Tề Tĩnh Xuân, nhưng đến hồ Thư Giản thì chưa biết được.
Cuối cùng sau khi hai người vào nhà, Cố Xán không ai trông coi liền dùng hai tay cầm lấy hai cái túi, nhẹ nhàng rút chốt cửa ra, ba chân bốn cẳng chạy như bay về một đầu khác của ngõ Nê Bình.
Trong nhà phu nhân họ Cố quỳ dưới đất, vươn người xuống gầm giường kéo chiếc hòm ra. Chiếc hòm kia không lớn nhưng lại rất nặng, khiến cho bà kéo hơi tốn sức thở hồng hộc.
Kết quả cái mông đẫy đà của bà ta bị Tiệt Giang Chân Quân đá mạnh một cái, ông lão trêu đùa:
- Họ Cố, may mà ngươi ăn uống bão dưỡng tốt, nhưng chỉ dựa vào thứ này muốn làm nha hoàn hạng hai ở đảo Thanh Hiệp vẫn hơi miễn cưỡng, có điều làm nha hoàn hạng ba thì dư sức. Lão phu nhìn ngươi không vừa mắt, nhưng trên đảo Thanh Hiệp có mấy vị khách khanh tán nhân, nói không chừng lại thích khẩu vị của ngươi. Đến lúc đó ngươi phải cố gắng tranh thủ, đừng rụt rè nhút nhát mà bỏ lỡ phúc duyên.
Thân thể phu thân hơi cứng đờ, lúc này hơn nửa người của bà ta vẫn chui dưới gầm giường, không thấy rõ nét mặt.
---------
Đi đến một đầu ngõ, Tề Tĩnh Xuân nói với Trần Bình An:
- Thái Kim Giản và Phù Nam Hoa cứ giao cho ta xử lý. Hôm nay ngươi đã có chiếc lá hòe tổ tiên phù hộ này, càng không nên coi thường cái chết, phải sống cho tốt mới là báo đáp lớn nhất với cha mẹ ngươi. Còn về ba phương thế lực núi Vân Hà, thành Lão Long và Tiệt Giang Chân Quân sau này, ta không dám nói bọn họ sẽ vĩnh viễn không tìm ngươi gây phiền toái, nhưng trong vòng mười năm chắc chắn sẽ không tới gây sự với ngươi. Nếu may mắn thì ngươi vẫn sẽ là một bình dân thôn quê, có thể sống ba mươi năm bình yên vô sự.
Tề Tĩnh Xuân cười nói:
- Cũng không cần kiêng kị với trấn nhỏ. Sau này... không bao lâu sau chắc sẽ không còn những mưu tính kia nữa. Nếu ngươi muốn sống an ổn hai ba chục năm, có thể tìm một cô nương ở chỗ này kết hôn, thành gia lập nghiệp là được. Còn nếu muốn đi ra ngoài trấn nhỏ, xem thử cảnh tượng trời đất chân chính cũng là chuyện tốt. Đọc vạn quyển sách, đi vạn dặm đường là chuyện mà người đọc sách chúng ta cần làm. Sau này ngươi sẽ phát hiện, trong trấn nhỏ khó đọc sách nhưng đi đường dễ dàng, đến bên ngoài thì rất nhiều người trí thức mua sách, đọc sách, cất sách rất dễ dàng, nhưng lại không thích đi đường xa, ngại chịu khổ, cái gọi là cắp sách du học chỉ là ngồi xe dạo chơi ngoại thành mà thôi.
Thiếu niên ngạc nhiên hỏi:
- Tề tiên sinh, đi đường cũng xem là chịu khổ sao?
Tề Tĩnh Xuân vui vẻ cười lớn:
- Trước tiên không nói bên ngoài trấn nhỏ, chỉ nói ngay bên cạnh là được rồi. Ngươi có từng thấy mấy đứa bạn cùng lứa ở đường Phúc Lộc, ngõ Đào Diệp chạy lung tung khắp núi đồi giống như ngươi không?
Thiếu niên gật đầu nói:
- Đúng là vậy.
Tề Tĩnh Xuân ngẫm nghĩ, đưa tay rút một cây trâm cài bằng ngọc bích cắm ở trên búi tóc, khom lưng đưa cho thiếu niên bần hàn:
- Coi như quà chia tay là được rồi. Không phải đồ vật quý trọng, cũng không phải là vật phẩm tiên gia, cứ yên tâm nhận lấy. Thực ra ta và ngươi giống nhau, đều từng là thiếu niên trong ngõ hẹp, cố gắng học tập, trải qua khó khăn gập ghềnh trùng trùng điệp điệp, đương nhiên cũng có đủ loại vận may, lúc này mới tiến vào thư viện Sơn Nhai. Đoạn thời gian bái sư học nghệ là những năm tháng mà Tề Tĩnh Xuân ta vui vẻ nhất trong đời này. Sau đó lúc sư phụ rời núi đã giao cho ta cây trâm này, xem như là một loại kỳ vọng và phó thác cho ta. Chỉ tiếc hôm nay quay đầu nhìn lại, qua nhiều năm như vậy ta vẫn không làm tốt, tin rằng nếu sư phụ vẫn còn trên đời nhất định sẽ thất vọng.
Thiếu niên nào dám nhận phần lễ vật này.
Cây trâm ngọc bích này dường như còn ẩn chứa tình nghĩa thầy trò giữa Tề tiên sinh và sư phụ của ông ta, tình cảm sâu nặng không cần phải nói, huống hồ món quà này cũng không nhẹ.
Cho dù thiếu niên không có kiến thức, suy cho cùng vẫn là người từng làm gốm cho vua dùng, vẫn có một chút khả năng giám định đồ vật tốt xấu.
Tề Tĩnh Xuân ôn hòa nói:
- Nếu để lại chỗ ta, di vật của ân sư sẽ phải chôn vùi theo ta, còn không bằng đem tặng cho ngươi. Huống hồ ngươi thật ra không có công lao thì không thể nhận bổng lộc. Ta đã ở lại trấn nhỏ gần sáu mươi năm, vẫn luôn có một khúc mắc nhỏ trong lòng không thể tháo gỡ. Đáng tiếc ân sư đã qua đời, vốn cho rằng đời này sẽ không có được đáp án, là ngươi trong lúc vô tình đã giúp ta giải thích nghi hoặc. Cho nên ta tặng cây trâm này cho ngươi, về tình về lý về lễ đều rất thích hợp. Trần Bình An, ta chỉ có thể giúp ngươi cầu được một chiếc lá hòe, không thể cho ngươi nhiều cơ duyên hơn.
Thiếu niên dùng hai tay nhận lấy cây trâm ngọc chất liệu bình thường kia, ngẩng đầu chân thành nói:
- Tiên sinh đã làm rất nhiều chuyện rồi.
Tề Tĩnh Xuân cười trừ, trông thấy thiếu niên bị mình thuyết phục nhận lấy cây trâm, trong lòng cũng bớt đi một tâm bệnh. Cây trâm quả thật rất bình thường, nhưng suy cho cùng là di vật của ân sư, có thể tặng cho một người không làm nhục chữ khắc trên trâm ngọc là tốt nhất.
Cho nên Tề Tĩnh Xuân cuối cùng dặn dò:
- Trần Bình An, nhớ lấy, sau này bất kể gặp phải chuyện gì, ngươi cũng đừng mất đi hi vọng với thế giới này.