Kết thúc hội nghị ba thế hệ của lão Diệp gia, trong nhà trở lại yên tĩnh.
Biểu hiện của Diệp Khai đã được sự khẳng định đầy đủ của hai vị lão gia tử. Diệp Tử Bình cũng phải nhìn con trai với ánh mắt khác, không còn đối đãi như còn là một đứa trẻ nhỏ.
Ngược lại vào thời gian nghỉ tết âm lịch, lớp cuối cấp ba đã hoàn thành xong việc học bổ túc nên được nghỉ.
Ninh Sương thấy Diệp Khai bình yên vô sự trở về cũng an lòng. Tuy nàng chưa đến mức sinh ra ý nghĩ khác về Diệp Khai nhưng hắn vì nàng mà đâm chết bọn cướp, lại tiến vào cục cảnh sát, rất có thể vì vậy mà chọc quan tòa, quả thực làm lòng nàng lo lắng, cũng may giờ mọi việc đã qua.
Không chỉ có không có chuyện, cục cảnh sát còn trao bằng khen cho trường học, ghi vào hồ sơ chuyện Diệp Khai ra tay vì nghĩa, coi như không uổng một phen vất vả.
Ninh Sương rất cao hứng với chuyện này, không suy nghĩ gì thêm. Nhưng cha nàng sau khi nghe được chuyện này thì cũng biết không phải đơn giản như bề ngoài.
Thái độ của cục cảnh sát đêm đó cũng không phải hữu hảo như vậy. Về sau xảy ra chuyển biến, khẳng định không phải do lương tâm trỗi dậy mà do quan hệ tới nhân vật quan trọng, bằng không Diệp Khai ít nhiều cũng phải gánh trách nhiệm, không có khả năng đơn giản đi ra như vậy, lại còn được khen thưởng.
Chỉ là những lời này không cần phải nói với Ninh Sương. Ninh Thiên cũng chỉ ngầm để trong lòng, tăng thêm vài phần chú ý với cậu bạn học này của con gái.
Chân bị thương của Ninh Sương tốt lên rất nhanh. Lúc mới đầu nhìn vào quả thật dọa người nhưng vấn đề không quá nghiêm trọng, vài ba ngày là có thể đi lại tự nhiên.
Lúc Diệp Khai gặp Ninh Sương ngoài trường thì thấy nàng đang đeo ba lô đi ra.
Loading...
- Ninh Sương, em khỏi rồi?
Diệp Khai bước tới hỏi.
- Ừ, cảm ơn anh đã giúp đỡ, anh cũng không việc gì chứ?
Mặc dù biết Diệp Khai không sao nhưng khi gặp mặt cũng phải hỏi thăm vài câu.
- Ồ, anh không sao, chỉ là thấy việc nghĩa ra tay thôi.
Diệp Khai cười nhẹ rồi hỏi tiếp:
- Em đi đâu vậy?
- Đàn của em hỏng rồi, thử đem đi sửa may ra có thể.
Ninh Sương nói xong, khẽ cau mày.
Vào đêm hôm đó, khi bọn cướp giằng ba lô của Ninh Sương đã làm cây đàn vi-ô-lông rơi xuống đất bị hỏng. Mấy ngày nay không chú ý tới, hôm nay lấy ra dùng mới phát hiện nên đem đi sửa, không biết có được hay không?
- Để anh đưa em đi.
Diệp Khai lập tức ân cần nói.
Chỗ sửa đàn khá xa, Ninh Sương vốn định bắt xe đi. Tuy nhiên giờ đã có Diệp Khai chủ động bảo đưa đi, cũng không thấy có lý do gì để từ chối. Ninh Sương cảm thấy Diệp Khai vẫn tương đối đáng tin, tuy hình như trong nhà rất có tiền nhưng cũng không có biểu hiện của thiếu gia ăn chơi.
Sau khi tới nơi, người thầy giáo cầm cây đàn vẻ tiếc nuối:
- Không được, kết cấu bị hao tổn nghiêm trọng, không sửa được rồi. Thật đáng tiếc, thanh âm cây đàn này rất hay.
Nghe câu trả lời như vậy, Ninh Sương thất thần. Cây đàn vi-ô-lông này là do cha nàng tích lũy tiền lương một năm mới mua được cho nàng. Bình thường nàng vẫn giữ gìn rất tốt vì trong đó bao hàm cả tình thương của cha.
Với đàn vi-ô-lông mà nói, chỉ cần không phải hư hỏng về mặt vật lý thì sẽ có thể dùng rất lâu. Giống như những cây đàn vi-ô-lông của các danh gia quốc tế đều có lịch sử mấy trăm năm, thanh âm tuyệt hay, công nghệ hiện đại không thể chế tác được.
Cây đàn vi-ô-lông này của Ninh Sương nghe nói là do một người thợ Italia chế tạo trước giải phóng ở Ma Đô qua tay nhiều người, cuối cùng được Ninh Thiên mua cho con gái. Nếu như lúc này bán sang tay chắc chắn sẽ có mấy vạn tiền lời.
Thật sự là đáng tiếc, Diệp Khai sau khi nghe xong cũng lắc đầu.
- Dù sao cây đàn này cũng không dùng được nữa, vậy thì chọn một cây khác đi.
Diệp Khai đề nghị.
- Cái này...
Ninh Sương do dự, hôm nay nàng không đem theo nhiều tiền. Giá một cây vi-ô-lông nghe được phải hơn mấy ngàn, về phần cao cấp chắc là phải tới mấy vạn mới có thể mua.
- Không sao, anh có đem theo tiền.
Diệp Khai lập tức gạt đi:
- Cũng không phải nói em tiếp nhận lễ vật của anh mà coi như anh mua lại, để em tập giúp anh nhé?
Hắn nói rất dễ nghe, rõ ràng bỏ ra số tiền rất lớn cho Ninh Sương nhưng lại ra sức gạt đi chuyện này, chỉ nói là đem cho Ninh Sương dùng thử, còn nói là nàng chơi cây đàn mới giúp hắn.
Ninh Sương cũng không phải ngốc nghếch, sao không đoán ra dụng tâm của Diệp Khai, thấy ánh mắt chân thành của hắn, nhất thời mềm lòng:
- Vậy cũng được.
Diệp Khai nghe nàng đáp ứng lập tức mừng rỡ.
Hai người chọn tới chọn lui, cuối cùng chọn được một cây đàn vi-ô-lông có bốn mươi năm lịch sử, cũng do thợ Italya chế tạo. Tuy số năm chưa lâu nhưng thanh âm rất thuần hậu, Ninh Sương thử qua một khúc đã cảm thấy thanh âm hơi vượt qua cây trước.
Diệp Khai cầm từ trong xe ra một cái túi lớn, lấy ra hai vạn mua cây vi-ô-lông này.
Ninh Sương sau khi nhận đàn thử qua hai khúc cảm thấy rất hài lòng, nói với Diệp Khai:
- Coi như em vay tiền anh để mua, chờ sau khi em tham gia diễn cuối năm lấy được tiền thù lao sẽ trả lại cho anh.
- Đến lúc đó rồi nói sau...
Diệp Khai cũng không khách khí. Tâm tư con gái nhạy cảm, nếu bảo là cho nàng thì chưa chắc Ninh Sương đã tiếp nhận. Hắn lại nói tiếp:
- Đưa cây đàn hỏng cho anh được không?
- Anh muốn nó làm gì? Đã hỏng rồi, người thợ cũng bảo không thể sửa.
Ninh Sương ngạc nhiên.
- Thử xem anh có tìm được người thợ giỏi nào sửa được hay không.
Diệp Khai đáp.
Ninh Sương suy nghĩ một chút cũng không phản đối, dù sao đây là cây đàn vi-ô-lông đầu tiên mà cha nàng tặng cho, có ý nghĩa kỷ niệm rất sâu sắc, nếu có thể sửa chữa thì dù không thể dùng diễn cũng coi như lưu lại.
Diệp Khai nhận cây đàn lập tức hưng phấn, trân trọng bỏ vào trong xe, thì thầm:
- Đây chính là trao đổi tín vật!