Chính là nàng chưa bao giờ nghĩ đến, đệ đệ phóng đãng của mình học tài như vậy từ khi nào, khi nào thì có kỳ công phẩm rượu và làm rượu như vậy. Vấn đề này bị nàng vô tình bỏ qua. Mấy ngày nay, nàng vẫn chìm đắm trong sự vui mừng và hưng phấn. Đến hôm nay ba người Tiêu Duệ, Lý Đỗ làm thơ, phong vân tụ hội, nàng hưng phấn đến đỉnh điểm.
Vén sợi tóc rối bay trên trán tỷ tỷ, Tiêu Duệ dịu dàng như nước nói:
- Tỷ, tỷ về phòng nghỉ ngơi đi. Từ nay về sau Duệ đệ nhất định không để tỷ phải làm lụng vất vả nữa.
- Thật hay cho tỷ đệ tình thâm
Ngoài cửa có người vỗ tay khen.
Tiêu Duệ nhìn lại thấy Tôn Công Nhượng mặc một bộ thanh sam, phiêu nhiên đi vào, trên khuôn mặt sành sỏi lộ ra nụ cười cung kính.
- Thì ra là Công Nhượng huynh.
Tiêu Duệ lấy lại bình tĩnh, chắp tay nói.
- Tử Trường lão đệ lâu không gặp, lão đệ đã trở thành danh nhân trong thành Lạc Dương.
Lúc nói chuyện, Tôn Công Nhượng xoay người nhìn thấy ba bài thơ trên bức tường, nhìn một lúc lâu mới phát ra tiếng thở dài:
Loading...
- Lời đồn đãi quả thực không thể tin. Ai nói Tử Trường lão đệ là tay ăn chơi trách táng? Mỗ vốn tưởng rằng Tử Trường có thiên phú phẩm rượu, làm rượu, nhưng hôm nay vừa thấy, Tử Trường còn có đại trí tuệ có thể so với Lý Đỗ.
- Tiêu Lý Đỗ phong vân tế hội, Ẩm trung tam tiên ca.
Tôn Công Nhượng lại ngâm một lần nữa, vỗ tay hoan hô:
- Chuyện trọng đại này nhất định sẽ truyền khắp Lạc Dương, thậm chí thiên hạ Đại Đường. Tử Trường ngọc thụ lâm phong, có tửu đạo do tửu thánh chân truyền, được xưng là Tam tiên cùng với Chương lão đại nhân và Trích tiên nhân, quả thực khiến tửu khách tài tử phong lưu cũng phải ghen tị.
Lý Bạch xưng: “hai câu như lời thầy“, Đỗ Phủ dùng thơ tán thưởng là “Ẩm trung tam tiên”, được đặt chung hàng thứ với Hạ Tri Chương (1) và Lý Bạch, đây là vinh quang như thế nào? Tiêu Duệ hôm nay dùng rượu và thơ kết giao với hai người Lý Đỗ, không bao lâu nữa sẽ trở thành chủ đề trò chuyện của văn nhân sĩ tử Đại Đường trong tiệc rượu.
Không hổ là thương nhân, liếc mắt một cái là nhìn ra thiên cơ ẩn giấu trong đó, Tôn Công Nhượng cười nói sang chuyện khác:
- Tử Trường lão đệ, Vương gia tửu quán của lệnh tỷ phu có Thanh Hương Ngọc Dịch, trên tường lại có ba bài thơ này, nhất định sẽ làm ăn phát đạt.
Tiêu Duệ mỉm cười không nói, đôi mắt trong sáng nhìn thẳng vào Tôn Công Nhượng, trong lòng đang suy nghĩ ý đồ đến đây của đại thương nhân Lạc Dương này.
Thiên hạ không gì không vì lợi ích, thiên hạ nhốn nháo cũng chỉ vì lợi. Thương nhân làm việc hầu hết là vì lợi. Nhưng Tôn Công Nhượng không đưa ra ý hợp tác như các ông chủ các tửu quán Lạc Dương, mà từ từ nói:
- Phong thái của Tử Trường lão đệ làm mỗ hâm mộ. Mỗ biết Tử Trường sống nhờ nhà tỷ phu chỉ là kế tạm thời. Mỗ có một căn nhà đã lâu không dùng ở trong thành. Nếu không ngại, Tử Trường lão đệ có thể coi đó là nhà, có được không?
Thấy Tiêu Duệ sửng sốt một lát, dường như biết hắn đang “Nghi ngờ”, Tôn Công Nhượng lại cười cười, thành khẩn nói:
- Mỗ tuy là thương nhân, không cao nhã như Tử Trường phẩm rượu, nhưng mỗ không phải là người thấy lợi quên nghĩa. Một căn nhà mà thôi, đó chỉ là lòng ái mộ muốn kết giao với Tử Trường, tuyệt đối không có suy nghĩ vì lợi ích bản thân. Mong Tử Trường vui lòng tiếp nhận.
Tiêu Duệ đang cười thầm trong lòng, thầm nghĩ: “Tuyệt đối không có suy nghĩ vì lợi ích bản thân? Sao có thể chứ, nếu là vị Tiêu lão đệ kia, sợ là ngươi tránh còn không kịp”
- Cảm tạ ý tốt của Công Nhượng huynh. Nhưng Tử Trường sẽ trở về nhà cũ...
Tiêu Duệ khéo léo từ chối.
Như sớm đoán Tiêu Duệ sẽ từ chối, Tôn Công Nhượng cũng không có kiên trì, chỉ cười cười nói:
- Một khi đã như vậy, Công Nhượng cũng sẽ không miễn cưỡng Tử Trường. Tử Trường muốn trở về nhà cũ, vậy để cho Công Nhượng phái người sửa sang lại nhà cũ Tiêu gia một phen. Đợi ngày sau Tử Trường trở về nhà cũ ở cũng tốt hơn.
Thay mình sửa sang lại nhà cũ? Tôn Công Nhượng “Có tâm” làm Tiêu Duệ không ngờ đến. Hắn trầm ngâm nói:
- Điều này sao có thể để Công Nhượng huynh tốn tâm, tốn phí chứ.
Tôn Công Nhượng cười ha hả nói:
- Tình quân tử nhạt như nước. Mỗ hy vọng làm bạn với người tao nhã như Tử Trường lão đệ. Một chút bạc ý, Tử Trường không nên mãi chối từ.
Nói xong, Tôn Công Nhượng không đợi Tiêu Duệ nói gì thêm, cúi người hành lễ bước đi.
*****************************************.
Thời tiết dần dần lạnh đi, Ẩm trung tan tiên ca truyền khắp thành Lạc Dương, tên của tửu đồ Tiêu Duệ càng lúc càng vang dội. Lạc Dương tiến vào lập thu.
Một cơn mưa thu đột nhiên đến, tí tách tí tách. Trên đường đi đến trước cửa Vương gia tửu quán, những tửu khách lui tới đội áo mưa, không hẹn mà cùng chà chà chân làm rơi bùn đất. Đã giữa trưa, mặc dù trời đang mưa nhưng trong quán đã ngồi đầy người.
Tiêu Duệ buồn bực cầm cây chổi nhẹ nhàng quét bùn đất trước cửa vào. Mấy ngày nay, đám tửu khách đến thưởng thức Thanh Hương Ngọc Dịch càng lúc càng nhiều. Có người thậm chí còn đưa ra yêu cầu muốn Tiêu Duệ biểu diễn tuyệt kỹ văn hương thức tửu ngay tại đây, nhưng đều bị Tiêu Duệ quả quyết từ chối.
Văn hương thức tửu chính là một loại cảnh giới, một loại ý vị, sao có thể trở thành trò biểu diễn mua vui cho tửu khách chứ? Lần trước làm vậy chủ yếu là để rửa sạch thanh danh không mấy tốt đẹp của vị Tiêu lão đệ kia. Tiếng xấu ăn chơi trác táng sớm phai nhạt trong lòng mọi người, sao phải làm thế nữa.
Vì tránh phiền phức, Tiêu Duệ rất ít khi xuất hiện trong tửu quán. Nhưng mỗi ngày trước và sau lúc giữa trưa, hắn đều phải đứng ở cửa nhìn ra, đến khi nhìn thấy thiếu nữ xinh đẹp xuất hiện.
Tất cả đều không nói, trong hiệp ước không nói ra của Dương Hoa và Tiêu Duệ, thiếu nữ mỗi ngày đến Vương gia tửu quán lấy ba mươi hồ lô Thanh Hương Ngọc Dịch, mà nàng cũng thường vào hậu viện Vương gia chơi với Tiêu Duệ một lát. Nói nói cười cười, nghe Tiêu Duệ kể những chuyện xưa ly kỳ cổ quái, đây đã là công việc thường ngày của thiếu nữ. Bởi vì có “tấm nệm” Thanh Hương Ngọc Dịch, nên thái độ của bà thím hổ cái đối với nàng đã tốt hơn rất nhiều.
Tuy rằng không nói ra, nhưng người Dương gia đều biết, nếu không phải vì thiếu nữ Ngọc Hoàn này, Tiêu Duệ nhất định sẽ không cung cấp Thanh Hương Ngọc Dịch cho Ngọc Hồ Xuân tửu quán Dương gia. Đó cũng là một con đường tiền tài, mặc dù số lượng không nhiều lắm nhưng có thêm Thanh Hương Ngọc Dịch đứng đầu các loại rượu trong thành Lạc Dương, tửu khách của Ngọc Hồ Xuân cũng đã tăng lên.
Thiếu nữ mãi không tới, người đến lại là một thiếu niên ăn mặc bảnh bao khoảng mười hai mười ba tuổi, thân hình gầy gò, trên khuôn mặt non nớt ẩn chứa nụ cười thành thục. Phía sau thiếu niên có hai tùy tùng, đang từ từ đi tới trước mặt Tiêu Duệ.
Phủi phủi những hạt mưa trên quần áo, thiếu niên nhìn vào trong tửu quán một cái, nhíu nhíu mày. Khuôn mặt non nớt rõ ràng là một đứa trẻ lại ra vẻ thành thục. Thiếu niên này làm Tiêu Duệ phải lắc đầu. Hắn gần như có thể kết luận, đây lại là một công tử con nhà giàu có ở Lạc Dương.
Thiếu niên còn chưa nói gì, hai tùy tùng phía sau hắn đã đi vào trong tửu quán, giơ một tấm kim bài với thanh niên ngồi trong một góc tửu quán. Tửu khách lo sợ không yên đứng dậy cầm lấy một hồ lô Thanh Hương Ngọc Dịch, hoảng sợ bỏ chạy.
-----------------------
1. Hạ Tri Chương: Hạ Tri Chương (chữ Hán: 賀知章; 659 - 744), tự Quý Chân, khi từ quan về làng tự xưng là Cuồng khách, là nhà thơ đời Đường, người Cối Kê, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Ông cùng với Trương Húc, Trương Nhược Hư, Bao Dung được người đương thời gọi là Ngô trung tứ sĩ (Bốn danh sĩ đất Ngô). Trong quyển Thơ Đường, Trần Trọng San cho biết: "Ở vào thời Sơ Đường, thơ của Ngô trung tứ sĩ không nhiều thì ít đều kế tục di phong phù mỹ của thời Lục Triều, nên được xếp vào phái thơ Ỷ mỹ phái." Ông là bạn vong niên với Lý Bạch, từng gọi Lý Bạch là "trích tiên" (tiên bị đày). Hạ Tri Chương thích uống rượu, tính tình hào phóng. Ông còn để lại 20 bài thơ, trong đó bài Hồi hương ngẫu thư là nổi tiếng nhất.